Home Thuốc Quanh Ta Bệnh Gout Những thối quen của giới trẻ dễ bị mắc bệnh

Bệnh Gout Những thối quen của giới trẻ dễ bị mắc bệnh

Bệnh gout trước đây thường chỉ xảy ra với nam giới tuổi trung niên nhưng ngày nay, độ tuổi người mắc bệnh gout ngày càng trẻ. Nguyên nhân của sự trẻ hóa này là do một số thói quen sai lầm dưới đây.

          Bệnh gout là gì?

Bệnh gout hay còn có tên là bệnh thống phong, là một loại viêm khớp thường gặp ở nam giới. Nguyên nhân gây bệnh được chẩn đoán là do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin làm tăng lượng axit uric trong máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở các mô.

Người bị bệnh gout hay gặp phải các cơn đau nhức ở các khớp như khớp ngón tay, ngón chân, khớp bàn tay, gối, mắt cá chân,… Các cơn đau nhức này có thể âm ỉ hoặc dữ dội hàng ngày hoặc thậm chí hàng tháng, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Triệu chứng ban đầu của bệnh thường là các cơn đau cấp tính với tình trạng sưng, nóng, đỏ và đau dữ dội ở một khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái. Các cơn đau này lâu ngày sẽ tiến triển thành bệnh mạn tính, gây khó khăn cho người bệnh. Ở giai đoạn mạn tính, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng lúc dẫn đến đau và cứng khớp, gây ra những hậu quả nguy hiểm hơn.

          Gout ngày càng trẻ hóa

Tuy bệnh gout chỉ thường xuất hiện ở những bệnh nhân trung niên trên 50 tuổi song điều đáng quan ngại là hiện nay độ tuổi mắc gout ngày càng trẻ. Theo số liệu của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM năm 2018 thì cứ 4 người được chẩn đoán mắc gout tại khoa Nội cơ xương khớp thì có từ 1-2 người trong độ tuổi dưới 40.

Bắt nguồn từ những suy nghĩ sai lầm

Gout thường được xem là “bệnh nhà giàu” nên rất nhiều người xem nhẹ các triệu chứng của bệnh. Khi có những triệu chứng sưng, đau khớp, nhiều người thường phớt lờ hoặc chủ quan, lạm dụng thuốc giảm đau. Nhiều người khi đã được chẩn đoán mắc gout chỉ uống thuốc mỗi khi đau và tự ý ngưng sử dụng thuốc khi những cơn đau giảm bớt, về lâu dài lại càng gây nguy hiểm.

Một số người không đến các cơ sở y tế để thăm khám mà tự ý chữa trị theo các phương thức được đồn thổi là “bí truyền” hoặc chữa trị theo cách “nghe người ta nói”. Điều này để lại những biến chứng như biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động thậm chí dẫn tới tàn phế. Khi bệnh gout trở nặng sẽ hình thành các hạt tophi ở khớp, nếu các hạt tophi bị vỡ có thể dẫn tới viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn huyết. Bên cạnh đó, gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể.

          Tới các thói quen nguy hại

Ngày nay, số lượng người trẻ mắc bệnh Gout đã trở nên đáng báo động, nguyên nhân bắt nguồn từ những suy nghĩ sai lầm về bệnh và các thói quen không tốt thường ngày, phải kể đến như:

  1. Thường xuyên sử dụng rượu, bia và các chất kích thích

Rượu, bia và các chất kích thích là nguyên nhân khiến cho hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, đồng thời làm trì trệ khả năng đào thải axit uric – nguyên nhân chính của bệnh gout.

  1. Ăn quá nhiều thịt đỏ, hải sản và thức ăn giàu đạm

Purin là hợp chất hữu cơ có nhiều trong thịt đỏ, hải sản và thức ăn giàu đạm. Cơ thể hấp thu quá nhiều các loại thức ăn này có thể gây rối loạn purin dẫn tới tăng hàm lượng axit uric trong máu, gây nên bệnh gout.

  1. Không bổ sung rau, củ, quả, trái cây tươi

Việc lười bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất từ rau, củ, quả và trái cây tươi khiến cho quá trình đào thải axit uric trong cơ thể diễn ra chậm chạp, có thể làm cho các axit uric lắng lại, hình thành dưới dạng tinh thể muối trong khớp gây ra bệnh gout.

  1. Sử dụng nhiều thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp

Thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,… đều chứa hàm lượng đạm và purin cao, tăng nguy cơ mắc bệnh.

  1. Lười vận động

Thay vì luyện tập thể dục thể thao, vận động cơ thể, người trẻ thường dành thời gian rảnh rỗi để xem phim, ngủ hoặc chơi game, lướt web. Việc này dễ gây ra lắng đọng axit uric, luyện tập thể dục thể thao giúp cho quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra nhanh hơn, do đó thúc đẩy sự đào thải axit uric khỏi cơ thể.

  1. Lười uống nước

Nước không chỉ cần thiết cho cơ thể để duy trì hoạt động trao đổi chất, thúc đẩy tuần hoàn máu mà còn giúp ích rất nhiều trong việc thải độc cơ thể. Nước giúp hoạt động bài tiết diễn ra tốt hơn, axit uric cũng có thể được bài tiết ra ngoài, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

            Trên đây là một số thông tin cần thiết cho bạn về bệnh gout và các thói quen sai lầm dễ khiến người trẻ mắc “căn bệnh nhà giàu” này. Duy trì thói quen lành mạnh mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe cho chính mình bạn nhé.

BÌNH LUẬN VỚI CHÚNG TÔI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *